Search

23/5/13

Tôi gặp được “Trúc Chỉ” , bài viết của Bác Nguyễn Đắc Xuân

 
 
 
Ngày cập nhật 12/05/2013 09:19
 
(TTH) - Trên đường đi tìm tương lai của các nghề truyền thống Huế trong thành Thành phố nhân văn trực thuộc Trung ương trong vài năm tới, tôi rất mừng với tương lai của làng nghề chế tác nhà rường, nghề làm Pháp lam, nay may mắn gặp thêm được giấy Trúc Chỉ của thầy giáo họa sĩ Phan Hải Bằng – Giảng viên đồ họa Đại học Mỹ thuật Huế..
Thầy giáo họa sĩ Phan Hải Bằng, sau nhiều năm tìm kiếm, thử nghiệm vừa chế tác ra được một loại giấy làm bằng cây tre, mở thêm một lối mới cho ngành nghệ thuật tạo hình cũng như nghệ thuật ứng dụng ở Huế. Nhà văn dịch giả Bửu Ý rất tâm đắc loại giấy tre ấy của anh Hải Bằng nên đặt cho nó cái tên chữ: “Trúc Chỉ”. Tre trúc là sản phẩm thực vật truyền thống hiện hữu trong đời sống người Việt Nam từ thuở mới lọt lòng nằm trong nôi (tre), ngủ trên giường tre, ăn đũa tre, ở nhà làm bằng tre, qua cầu tre, cán đồ dùng bàng tre… cho đến lúc lìa đời khiêng ra nghĩa địa bằng cái đòn tre. Cha ông chúng ta ngoài nguyên liệu truyền thống là vỏ Dó, cũng đã dùng bột tre chế tác thành giấy để viết, để in sách, in kinh, viết gia phả. Ngày nay người ta dùng bột thực vật hoặc xen-luy-lô-zờ tráng mỏng làm thành giấy, nên giấy bột tre không còn ai nhớ đến nữa. Phan Hải Bằng sử dụng bột tre cùng với quy trình truyền thống để làm Trúc Chỉ tức là khởi đi từ truyền thống dân tộc, vừa vật chất từ cây tre lại vừa bằng tinh thần - từ cái hồn cây tre đã in hằn trong đầu óc người Việt. Nhưng Trúc Chỉ không phải chỉ là một loại giấy tre truyền thống được phục hồi. Phan Hải Bằng sử dụng bột từ cây tre nhưng được xử lý bằng kiến thức hiện đại, kết hợp quy trình cổ truyền với các kỹ thuật khác, mới, làm nên một sản phẩm nghệ thuật mới mang hơi thở truyền thống, có giá trị chứ không phải chỉ làm nên một loại giấy để viết.

Chao đèn (Abat-jour) bằng Giấy Trúc Chỉ. Ảnh: BTP

Tôi không đi sâu vào những chi tiết về kỹ thuật hoặc những thao tác trong quy trình sản xuất, chỉ có thể khái quát như sau: Tre được bóc vỏ cật, chẻ nhỏ, ngâm trong nước vôi khoảng một đêm. Sau đó đem nấu khoảng 12 tiếng rồi xả sạch, chọn lọc, phân loại các loại xơ tre, nghiền nhỏ thành bột, xeo giấy. Đây cũng chính là sự tiếp nối quy trình truyền thống của nghề giấy Dó cổ truyền. Tuy độ bền cơ học của “Trúc Chỉ” không thể sánh với giấy Dó, nhưng với quy trình xử lý nguyên liệu truyền thống có cập nhật, độ bền hóa học của “Trúc Chỉ” hoàn toàn có thể yên tâm với độ pH = 7/8 (hoàn toàn trung tính, không kiềm, không a-xit).

Sự thành công của Phan Hải Bằng là kết quả của một quá trình phấn đấu hàng chục năm, được sự ủng hộ của lãnh đạo Trường đại học Nghệ thuật Huế và đặc biệt của học bổng Asianscholarship Foundation - ASF năm 2007. Nhờ có học bổng nầy Hải Bằng mới có điều kiện đi nghiên cứu học hỏi về nghề chế tác giấy ở những bản làng Thái, Việt Nam.

Một sản phẩm Trúc Chỉ là một tác phẩm nghệ thuật độc bản. Để đạt được điều này, ngoài việc kết hợp các quy trình, kỹ thuật trong và ngoài nước, điều quan trọng là duy trì được tinh thần sáng tạo, không lặp lại chính bản thân mình trong quá trình chế tác, Dùng nước phun vào mặt giấy có các hình hoa văn chuẩn bị sẵn, tác giả tạo hình ẩn trên nền giấy, đem phơi khô, cầm tác phẩm soi vào ánh sáng, các hoạ tiết tạo hình độc đáo chìm trong nền Trúc Chỉ hiện ra, sinh động, đa dạng vô cùng. Đây là một trong những kỹ thuật được Phan Hải Bằng tiếp nhận và biến đổi cho phù hợp với thực tế trong nước, để trước tiên tạo tác nên những tác phẩm tạo hình của mình với những giải thưởng quan trọng của Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế 2012, và Hội Mỹ thuật Việt năm 2013. Không ngừng ở đó, anh và các cộng sự còn có ý tưởng kết hợp nghệ thuật “Trúc Chỉ” với các nghề thủ công truyền thống khác của Huế để tạo nên những sản phẩm mới, mang dấu ấn của Huế và văn hóa Huế như: làng tranh truyền thống Sình, mây tre đan Bao La, nghề làm nón, nghề thêu…vừa để tạo ra sự cập nhật mới lạ cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, vừa kết nối các làng nghề với nhau trong cùng một sản phẩm để tạo nên sức mạnh phát triển. Đặc biệt, anh luôn hướng đến đối tượng chính là sinh viên, sinh viên nghệ thuật; những người sẽ tiếp nhận và phát huy vốn văn hóa dân tộc trong tương lai. Chẳng hạn sau những chuyến điền dã cùng sinh viên về làng Sình, làng Bao La…họ đã cùng nhau chế tác nên một sản phẩm độc đáo, kết hợp các sản phẩm của làng nghề với nhau: đèn “Trúc Chỉ”, đó là sự kết hợp của nghề Tre - Bao la, Tranh - Sình, Trúc Chỉ. Ngoài ra còn nhiều dự định kh ác đang trên đường phát triển.

Phan Hải Bằng cho biết: Dự án “Trúc Chỉ” hướng đến các hiệu ứng sau:Thẩm mỹ; Giáo dục; Xã hội

 - Về hiệu ứng thẫm mỹ: là xuất phát điểm của tinh thần dự án, nhằm thỏa mãn nhu cầu thưởng thức, và thị hiếu thẩm mỹ của mọi người. Việc đặt hiệu ứng thẩm mỹ lên trước hết nhằm giữ được tinh thần sáng tạo, tránh lặp lại và tự hủy diệt nếu đưa hiệu ứng kinh tế, lợi nhuận lên trên.

- Về hiệu ứng giáo dục: Ngoài việc giáo dục trong trường Nghệ thuật, thông qua hiệu ứng thẩm mỹ, dự án mong muốn góp phần khơi gợi và kêu gọi sự trở về với những giá trị truyền thống đang dần mai một, bằng cách đánh thức, nâng cao nhận thức về vốn văn hóa dân tộc, mà một trong những biểu hiện là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống. Trên cơ sở hiểu biết đó, sẽ có thái độ ứng xử tiếp nhận và phát triển các sản phẩm bằng cách cộng thêm những giá trị khác, mới… tạo dựng nên những giá trị mới, mà vẫn mang hồn dân tộc. Điều quan trọng là phân định được hai khái niệm: giá trị và trị giá.

- Về hiệu ứng xã hội: việc được thừa nhận, tham dự, đưa vào sử dụng cũng như hiểu được giá trị của “Trúc Chỉ” sẽ góp phần cộng thêm cho Huế một giá trị mới, nối tiếp vốn văn hóa truyền thống đã rất dày dặn của đất Cố đô. Ngoài khả năng có thể tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, “Trúc Chỉ” còn có thể lan truyền năng lượng sáng tạo cho cộng đồng, bằng cách tạo cơ hội trải nghiệm, thấu hiểu, tự tay chế tác nên những tác phẩm độc đáo cho mọi người. Điểm quan trọng nữa là mong muốn kết nối các làng nghề với nhau trong cùng một sản phẩm, nhằm liên kết tạo sức mạnh phát triển, khai thác được tiềm năng sáng tạo của các nghệ nhân, nghệ sĩ tài năng của Huế, góp phần tạo dựng những giá trị mới trên nền tảng phát huy vốn truyền thống dân tộc. Qua đó, “Trúc Chỉ” trở thành một sở hữu của Huế chứ không chỉ còn là của một hay một nhóm tác giả.

Tôi đã được Hải Bằng tạo cho hai chân dung huyền ảo sinh động rất lạ trong dịp giới thiệu sách tại Huế 2012. Trong hai cuộc trưng bày Trúc Chỉ ở XQ Cổ độ (Huế) và XQ Sử Quán Đà Lạt trong năm qua, tôi thấy hình ảnh nghệ thuật thiên hình vạn trạng trên Trúc Chỉ với nhiều chiều kích khác nhau, cả về kích thước lẫn ngữ nghĩa biểu tượng.

Thông tin liên quan:
Trúc Chỉ, theo Phan Hải Bằng và các nhà chuyên môn, ngoài giá trị là một sản phẩm nghệ thuật độc lập, nó còn là một chất liệu có thể kết hợp với các kỹ thuật đồ họa: etching, lithograph, in kỹ thuật số… tạo nên những tác phẩm có giá trị độc đáo. Với khả năng biểu cảm tốt của Trúc Chỉ, người ta có thể đưa nó vào lĩnh vực thiết kế những tác phẩm mỹ thuật ứng dụng như trang trí nội thất, các sản phẩm ứng dụng có giá trị khác: chao đèn, hộp đựng quà, danh thiếp, bìa sách, diều, nón, quạt, in giấy khen, giấy chứng nhận, in ảnh… Còn tại XQ Sử Quán Đà Lạt, các nghệ nhân đã dùng Trúc Chỉ để thêu tranh, vẽ chân dung, vẽ tranh phong cảnh... với sự cộng hưởng các hiệu ứng tạo hình của Trúc chỉ các tác phẩm đã mang lại hiệu ứng thẩm mỹ đặc biệt.

Qua những sản phẩm in trên giấy Trúc Chỉ, tôi liên tưởng đến việc in thủ bút có giá trị văn hóa lịch sử của các danh nhân, văn nghệ sĩ, in các tập thơ độc bản (như thơ của các vị Hoàng đế, các ông hoàng bà chúa nổi tiếng, của các nhà thơ cổ điển). Đặc biệt có thể in sao lại các sử sách quý hiếm bằng chữ Hán của nhà Nguyễn như Đại Nam Liệt Truyện, Đại Nam Thực Lục, Đại Nam Nhất Thống Chí, in gia phả các dòng họ, những bản Kinh quý hiếm...

Trong mắt tôi, Trúc Chỉ là một sản phẩm tuyệt vời bởi các lẽ sau đây:

- Nối tiếp được truyền thống của Huế, Việt Nam

- Giúp gìn giữ cái gốc văn hóa của dân tộc;

- Kết hợp giữa trí thức, nghệ sĩ với người lao động, kết hợp được nhiều ngành truyền thống, tạo được công ăn việc làm cho nhiều người;

- Vừa có giá trị nghệ thuật truyền thống vừa có giá trị kinh tế thị trường;

- Thu hút được nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, có khả năng tạo ra nhiều mặt hàng mới, có thể chuyển giao công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất.

Nói tóm lại, triển vọng giấy Trúc Chỉ là rất lớn, trong sự phát triển nghệ thuật đồ họa cũng như trong lĩnh vực chế tác hàng hóa của các làng nghề truyền thống Huế.
*
* *

Kết thúc bài nầy tôi xin nêu mấy ý kiến nhỏ sau đây:

1. Cứ 2 năm có một Festival làng nghề Huế như hiện nay là rất tốt. Festival là cơ hội hiếm có để quảng bá, tiếp thị cho làng nghề và cho du lịch Huế. Đối với tôi, Festival còn là một cơ hội để cho ta học. Sau mỗi Festival ta nên có tọa đàm xem thử ta học thêm được gì qua từng Festival? Học được rồi phải hành, phải đưa vào thực hiện;

2. Sau mỗi kỳ Festival ta phải chọn một số đề án mới cụ thể để thực hiện trong năm tới, phục vụ cho kỳ Festival sau. Các đề án luôn luôn phải kèm theo biện pháp khả thi. Nếu không thực hiện được phải có câu trả lời vì sao? Tôi đề nghị một trong các đề án sắp tới nên chọn “Trúc Chỉ” bởi các tiềm năng và tính khả thi của nó;

3. Mỗi Festival nên phát động một cuộc thi về chủ đề của kỳ Festival sau. Nội dung cuộc thi gồm: ý tưởng sáng kiến mới, kèm theo biện pháp khả thi; các mặt hàng mới, kinh nghiệp quảng cáo tiếp thị, đóng gói, bao bì;

4. Làng nghề Huế đã có một trung tâm mua bán, quảng cáo tốt do Phương Nam làm chủ. Nên chăng tại Trung tâm nầy có một bộ phận chuyên nghiên cứu, tiếp xúc, trao đổi với các nhà đầu tư, các nhà nghiên cứu, các đối tác khác về làng nghề Huế để nghiên cứu phát triển tiếp;

Bài viết của tôi hơi dài, không tránh được những chỗ trùng lặp với ý kiến của người khác. Mong được thông cảm và phản hồi cho tôi biết những vấn đề tôi nêu ra có điều gì được và điều gì chưa được để tôi có dịp được nâng cao cập nhật nhận thức của mình về làng nghề Huế. Xin đa tạ.

Huế, Tháng 4/2013
Nguyễn Đắc Xuân
 
http://www.baothuathienhue.vn/?gd=1&cn=34&newsid=1-0-34228


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét